Hội Chăn nuôi Việt Nam
Hội Chăn nuôi Việt Nam (AHAV) được thành lập theo Quyết định số 127 ngày 19 tháng 4 năm 1991 của Chính phủ, là tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn nhất và được thành lập sớm nhất của ngành chăn nuôi và thú y, hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Đến năm 2017 Hội đã trải qua 26 năm hoạt động, Ngày 20/5/2017 vừa qua đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ VI (2017-2022).
Là tổ chức đại diện cho tiếng nói của những hội viên hoạt động liên quan tới ngành chăn nuôi (sản xuất, thương mại, dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo, quản lý…) bao gồm các cá nhân, tổ chức (Việt Nam và tổ chức có yếu tố nước ngoài hoạt động liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên lãnh thổ Việt Nam).
Nhiệm vụ của Hội
Có nhiệm vụ đề xuất, tư vấn, phản biện, giám định trong việc:
– Xây dựng và ban hành các chính sách, cơ chế, văn bản pháp lý khác; các quy chuẩn, tiêu chuẩn cấp quốc gia và cấp ngành liên quan tới ngành chăn nuôi.
– Công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, chương trình, đề án, dự án…liên quan tới ngành chăn nuôi ở cấp bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố.
– Tư vấn xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn VIETGAP, các mô hình sản xuất, kinh doanh mới, các chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi nhằm góp phần phát triển bền vững, gia tăng giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
– Tham gia công tác nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật; tổ chức các tập huấn, đào tạo, hội nghị, hội thảo …nhằm chuyển giao khoa học, công nghệ mới và phổ biến kiến thức cho người chăn nuôi.
– Bảo vệ lợi ích hợp pháp của người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi.
– Thực hiện các dịch vụ công liên quan tới ngành chăn nuôi do Nhà nước giao.
– Đại diện ngành tham gia các hoạt động quốc tế liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi ở khu vực và quốc tế; tham gia là thành viên các tổ chức quốc tế về lĩnh vực chăn nuôi khi thấy phù hợp.
– Xuất bản các ấn phẩm để thường xuyên cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách mới, về tình hình sản xuất, thị trường trong và ngoài nước, về các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ chăn nuôi; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới qua: Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi, Đặc sản Chăn nuôi Việt Nam, các website do AHAV quản lý.
Nội dung chính hợp tác giữa Eco-Fair và AHAV
Hai Bên hợp tác triển khai các hoạt động chính như sau:
– Phối hợp trong công tác nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp thuộc ngành về sản xuất bền vững; giới thiệu các khóa học online của dự án về đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ chứng nhận bền vững tự nguyện, kết nối tài chính xanh và xúc tiến thị trường cho doanh nghiệp thành viên của Hội.
– Phối hợp chia sẻ thông tin về sản xuất bền vững, sản phẩm sinh thái- công bằng trên fanpage của Hội và Eco-Fair (Việc chia sẻ tùy theo nhu cầu của Hội Chăn nuôi Việt Nam và Eco-Fair); Hỗ trợ Eco-Fair kết nối và làm việc với một số cửa hàng thành viên của Hội về việc quảng bá, ủng hộ cho sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm sinh thái- công bằng. Eco-Fair chịu trách nhiệm thiết kế và làm biển, tờ rơi đặt tại cửa hàng.
– Phối hợp xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về Sản xuất bền vững áp dụng cho các doanh nghiệp thành viên về quy trình sản xuất các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản theo hướng bền vững, sinh thái công bằng của Hội và Eco-Fair.
– Phối hợp xúc tiến, đề xuất các chính sách với cơ quan Nhà nước về hướng sản xuất bền vững cho các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản;
– Tham gia các hội thảo, hội nghị của dự án nhằm chia sẻ về vai trò của Hội Chăn nuôi Việt Nam.