NÔNG TRẠI RAU HỮU CƠ GEN XANH Hoài bão làm nông nghiệp sạch của vợ chồng tiến sĩ
Xuất phát điểm là một nhóm các kỹ sư nông nghiệp đam mê trồng rau, GenXanh cam kết mang đến cho cộng đồng những sản phẩm an toàn và chất lượng. Trải qua nhiều khó khăn ban đầu, hiện nay nông trại là nơi cung cấp rau hữu cơ cho nhiều khách hàng lẻ khác nhau và một số nhà hàng, siêu thị mini trên địa bàn Hà Nội.
Anh Chinh (sinh năm 1982) là tiến sĩ sinh học tại Nhật cùng chị Duyên (sinh năm 1983) là thạc sĩ nông nghiệp tại Australia. Nhiều năm ấp ủ mong muốn gây dựng nông trại với quy mô rau hữu cơ. Năm 2019, từ mảnh đất hoang tàn anh chị cùng với 2 đồng nghiệp của mình cũng là kỹ sư nông nghiệp khai hoang và bắt đầu phủ xanh mảnh đất với nhiều loại rau khác nhau. Ban đầu công việc gặp không ít khó khăn như thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh khiến cuộc sống của anh chị có gặp nhiều trở ngại.
Chị Duyên cho biết, khi đã quyết định làm nông nghiệp thì phải làm cho uy tín và chất lượng. Nhất là rau hữu cơ, có thể làm với quy mô lớn mà năng suất vẫn cao như rau thường. Chị nhìn nhận, nếu rau hữu cơ làm quy mô nhỏ thì năng suất sẽ thấp, giá thành cao. Khi bắt tay vào công việc, chị mới thấy còn trăm thứ phải lo, từ thuê nhân công, mua máy móc, cải tạo đất đai… đều phải đúng chuẩn, đúng lộ trình. “Với người khác thì số vốn đầu tư có thể không nhiều nhưng với chúng tôi thì đó là cả tài sản đổ hết vào dự án này. Hợp đồng thuê đất của dân phải trả tiền trước, rồi mua máy làm cỏ, làm nhà, kéo điện, làm hệ thống nước… Khi đó, chúng tôi thay nhau cứ hết giờ cơ quan là xuống trang trại làm kết hợp với nhân công. Đến tháng 4/2021 chúng tôi mới bắt đầu trồng rau theo mùa”, chị Duyên chia sẻ.
Anh Chinh thì chia sẻ, hiện nay rau không đủ để bán cho khách hàng, trung bình mỗi tháng anh chị bán từ 4-5 tấn rau với hơn 100 loại rau khác nhau như bắp cải, su hào, cà rốt, củ dền đỏ, các loại rau cải, xà lách…Ngoài ra nông trại còn bán những cây giống để đáp ứng tiêu chí “rau sạch tại nhà” của người dân.
Mặc dù thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng với anh chị, đó cũng là hạnh phúc, bởi thỏa mãn đam mê, khát khao và được làm những gì mình học ở nước ngoài, mang áp dụng vào kinh tế nông nghiệp trong nước. Cùng với đó, anh chị và con trai được sống trong không khí trong lành của vùng quê.
Chị Duyên cũng cho biết, tư duy người nông dân trước đây luôn gắn chặt với đạm, lân, kali. Bà con quen bón đạm cho rau nhanh tốt, phun thuốc hóa học để diệt sâu. Một số người đam mê làm nông nghiệp hữu cơ nhưng để mọi người tin tưởng và chấp nhận rau hữu cơ thì không dễ. Anh chị đều mong muốn thay đổi tư duy này từ chính dự án của mình, đồng thời luôn mở cửa trang trại để khách hàng đến tham quan, tìm hiểu rõ nguồn gốc rau, củ để từ đó tin tưởng và tin dùng. Gen Xanh luôn đảm bảo cung cấp rau sạch sản xuất theo tiêu chuẩn Hữu cơ đảm bảo 5 không:
+ Không thuốc BVTV hoá học;
+ Không phân bón hoá học;
+ Không thuốc diệt cỏ;
+ Không chất kích thích, điều tiết sinh trưởng;
+ Không sử dụng giống biến đổi gen.
Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, giúp người dân được tiếp cận với nguồn rau sạch, chị Duyên, anh Chinh còn tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động với thu nhập ổn định. Đồng thời, Gen Xanh của anh chị cũng là nơi tạo cảm hứng và truyền kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ, thông qua mạng lưới chuyên ngành nông nghiệp của cựu sinh viên Australia tại Việt Nam mà anh chị là những thành viên tích cực.
Định hướng phát triển trồng rau hữu cơ trong thời gian tới của anh Chinh cũng đã được anh lên kế hoạch cụ thể. “Hiện tại, sản lượng trồng rau hữu cơ của Gen Xanh chưa đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Năm nay, chúng tôi cố gắng mở rộng diện tích trồng rau thêm 3-4ha. Chúng tôi cũng đang tính đến việc liên kết với các hộ nông dân trồng rau hữu cơ. Theo đó, chúng tôi cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, giám sát chất lượng và bao tiêu sản phẩm, kết hợp xây dựng chuỗi tiêu thụ lớn hơn. Hiện tại, Gen Xanh đang làm việc với một số đối tác để đưa rau gia vị như tía tô hữu cơ xuất khẩu Nhật Bản, Châu Âu