Tiêu chí sản phẩm sinh thái công bằng: Cơ hội và thách thức của ngành xuất khẩu gạo sang EU

Theo báo cáo “Triển vọng thị trường nông nghiệp và thu nhập tại EU giai đoạn 2013 – 2023” thì EU dự đoán diện tích trồng lúa sẽ không gần như không thay đổi và để đáp ứng nhu cầu gia tăng, EU sẽ tăng mức nhập khẩu gạo. Theo đó, Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng ưu đãi với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) khi xuất khẩu gạo sang EU. Ngoài ra, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (dự kiến sẽ giúp Việt Nam xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm). Đồng thời, EU cam kết đưa thuế suất về 0% sau 3 – 5 năm đối với sản phẩm gạo. Sản lượng gạo Việt Nam xuất khẩu qua EU nửa đầu năm 2020 ở mức 13,4 ngàn tấn, dung lượng còn lại trong hạn ngạch là 66,6 ngàn tấn (83%). Việc tiếp cận thị trường mới với mức thuế quan thấp hoặc gần như bằng 0 sẽ tạo ra cơ hội cạnh tranh cho gạo Việt Nam về phía giá cả.

Tuy nhiên một thách thức lớn, đó chính là trong hiệp định (EVFTA) có một điều khoản cụ thể liên quan đến thúc đẩy các sản phẩm sinh thái công bằng. Tiêu chí này vừa là cơ hội, vừa là thử thách đối với mặt hàng xuất khẩu gạo Việt Nam.

Các rào cản đối với một chuỗi cung ứng được chứng nhận sinh thái công bằng trong chế biến nông sản ở Việt Nam gồm ba trụ cột chính: thứ nhất, năng lực của các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ (MSME) về phát triển sinh thái-công bằng vẫn còn hạn chế. Hầu hết các MSME không có kế hoạch chiến lược để phát triển bền vững, và năng lực sản xuất và tiếp thị các sản phẩm sinh thái công bằng cũng như tiếp cận công nghệ xanh, thiết kế bền vững và tài chính xanh còn hạn chế. Thứ hai, nhận thức của các MSME, các nhóm người tiêu dùng, các bên liên quan và khu vực công còn hạn chế. Thứ ba, hiện chưa có nhà cung cấp dịch vụ hiệu quả về chi phí để giúp người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm chế biến nông sản thực phẩm công bằng sinh thái của Việt Nam.

Như vậy, việc kí kết Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) thì cơ hội nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam là rất lớn, thế nhưng để có thể thành công ở thị trường này thì ngành gạo của Việt Nam bắt buộc phải đạt được chứng nhận sinh thái công bằng.

Chứng nhận sinh thái công bằng, tấm vé để gạo Việt bước vào thị trường Châu Âu

Thách thức lớn nhất của gạo Việt Nam khi bước vào EU chính là tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Niềm tin này phải bắt đầu từ những dòng sản phẩm vừa có lợi thế, vừa đảm bảo chất lượng, quy chuẩn, có sức cạnh tranh ngang tầm. Để làm được điều đó, chứng nhận sinh thái công bằng được xem như là yếu tố đầu tiên.

Nhãn sinh thái hay chứng nhận sinh thái công bằng được xem như là thước đo để đánh giá chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của chứng nhận này giúp cho người tiêu dùng có thể xác định sản phẩm đã được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng tốt, giảm tác động của sản phẩm đến môi trường từ quá trình sản xuất đến quá trình loại bỏ sản phẩm.

Khi có được chứng nhận này, người tiêu dùng sẽ hiểu sản phẩm gạo của Việt Nam là sản phẩm sạch, chất lượng, uy tín, tốt cho sức khỏe và yên tâm sử dụng.

Đối với các doanh nghiệp khi sản phẩm đạt tiêu chí xanh – sạch, đồng nghĩa với việc con đường xuất khẩu gạo sang Châu Âu rộng mở. Hiệp định EVFTA không có hạn chế về mặt hàng và kim ngạch, nên không phải đàm phán từng mặt hàng cụ thể. Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU, miễn là mặt hàng đó được sản xuất tại Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Do đó, muốn gia tăng xuất khẩu thì bắt buộc gạo Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practices – thực hành nông nghiệp tốt).

Một mặt khác, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo tái cơ cấu sản xuất, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ để triển khai các thực hành sản xuất bền vững và đổi mới sản phẩm trong chuỗi cung ứng, nâng cao hình ảnh thương hiệu, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường xã hội.

Từ bao lâu nay, người Việt sản xuất lúa gạo vốn theo thói quen, sản xuất nhỏ lẻ và chưa có một tiêu chí, mục tiêu về chất lượng sản phẩm. Chứng nhận sinh thái công bằng sẽ là sợi dây liên kết các vùng sản xuất, các doanh nghiệp lại với nhau để làm sao tạo ra những sản phẩm xanh – sạch đúng chuẩn. Khi có được sản phẩm đúng chuẩn, năng lực sản xuất và xúc tiến thị trường bền vững cũng được nâng cao.

 EU là thị trường đòi hỏi rất khắt khe với nhóm hàng nông sản, muốn chinh phục nó, Gạo Việt cũng cần tìm hiểu cơ hội, các quy chuẩn cụ thể đối với từng thị trường để thỏa mãn yêu cầu dù là khắt khe nhất. Bởi lẽ, nếu muốn mở rộng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa thì đây là con đường tất yếu của DN Việt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Bài viết liên quan