Ngành điều vượt thách thức để tận dụng lợi thế EVFTA

Sau gần 30 năm tham gia xuất khẩu, ngành điều Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của nước ta. Tuy nhiên để hướng tới sự phát triển bền vững, hạt điều vẫn cần một sự bức phá và nỗ lực nhiều hơn nữa.

Tiềm năng lớn

Ðiều Anacardium occidentale L thuộc họ thực vật Anacardiaceae, bộ Rutales. Cây điều sinh trưởng và phát triển tốt ở những quốc gia thuộc khu vực cận xích đạo, nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao. Ở Việt Nam, cây điều được trồng từ Quảng Trị trở vào các tỉnh phía Nam. Theo Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) thì diện tích trồng điều trên toàn quốc năm 2020 là khoảng 34 ngàn ha, trong đó Bình Phước là nơi có diện tích trồng lớn nhất 137, 68 ha, sản lượng niên vụ năm 2019 đạt 140.688 tấn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2 tháng đầu năm 2020, khối lượng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam đạt 46.000 tấn, trị giá 322 triệu USD.

Ngành điều ở Việt Nam có cơ hội phát triển vì nhu cầu người dùng ngày một tăng. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & PTNT rất quan tâm đồng thời chủ trương khôi phục và phát triển cây điều theo hướng sản xuất bền vững. Chúng ta đã có bộ giống điều có tiềm năng năng suất và chất lượng cao, quy trình kỹ thuật thâm canh điều cao sản đạt từ 3- 5 tấn/ha đã được kiểm chứng trên một số nông hộ tại Bình Phước và Đồng Nai sẽ được phát huy và nhân rộng trong sản xuất.

Bộ Nông nghiệp & PTNT đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Điều thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đang tập trung nghiên cứu chọn tạo giống và biện pháp kỹ thuật canh tác điều có năng suất cao từ 3 tấn – 5 tấn/ha; chất lượng tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái nông nghiệp miền Nam.

Các cơ sở công nghiệp chế biến điều hiện có đủ năng lực chế biến 100% sản lượng điều trong nước và hàng năm có thể nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn hạt điều để sử dụng hết công suất thiết kế. Những kết quả nghiên cứu cải tiến công nghệ, thiết bị chế tạo trong nước, cho phép ngành điều cơ giới hóa, tự động hóa với mức đầu tư thấp hơn so với thiết bị nhập khẩu, nên các cơ sở chế biến có cơ hội tiếp cận nhanh thị trường thế giới.

Hạt điều Việt Nam có tính cạnh tranh cao, khi giá thành sản xuất thấp, chất lượng khá cao, nhân điều thô xuất khẩu của Việt Nam đã có uy tín trên thị trường thế giới. Một khi làm tốt khâu quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường xúc tiến thương mại, sẽ tạo sức cạnh tranh.

Bài học kinh nghiệm rút ra từ 30 năm phát triển ngành điều, nhất là khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật sẽ được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, chế biến điều, đồng thời với nhận thức và hiểu biết về điều sâu sắc hơn, sẽ là yếu tố quan trọng để ngành điều tăng trưởng bền vững hơn.

Các sản phẩm chế biến từ hạt điều như: nhân điều, dầu vỏ hạt điều của Việt Nam được xác định là sản phẩm hàng hóa xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh cao khi Việt Nam hội nhập nền kinh tế thế giới, nên sẽ được Nhà nước, các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư toàn diện hơn.

Với nhiều yếu tố thuận lợi, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có cơ hội lớn khi vươn mình ra thế giới nếu chúng ta đảm bảo được nguồn nguyên liệu chất lượng và tập trung vào việc phát triển bền vững.

Bài toán về chất lượng sản phẩm

Có nhiều tiềm năng nhưng ngành điều đang đối mặt với ba thách thức lớn, đó là nguyên liệu, chế biến và tiếp cận thị trường.

Thứ nhất: Thách thức về nguyên liệu đầu vào

Có thể thấy khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay là phụ thuộc 70% nguyên liệu từ nước ngoài; tiếp đến là năng suất bình quân cây điều hiện nay còn thấp so với cây trồng khác; bên cạnh đó cả nước có hơn 480 nhà máy chế biến điều nhưng chỉ có 20% nhà máy có chuỗi chế biến sâu; ngoài ra là chưa tận dụng hết các phế liệu khác từ cây điều.

Ngoài ra, do khí hậu – thời tiết đã và sẽ diễn biến phức tạp, sâu bệnh gây hại điều, khiến năng suất giảm sút vẫn luôn là khó khăn thường trực đối với ngành điều. Bên cạnh đó, đất hiện trồng điều sẽ bị thu hẹp diện tích do chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, đất ở nông thôn, đất chuyên dùng khác; mặt khác, một số diện tích đất bazan hoặc đất xám đang trồng điều có tầng dày ≥ 1 m, mực nước ngầm thấp, độ dốc <15o sẽ được nông hộ, trang trại chuyển sang các hệ thống canh tác khác hiệu quả cao hơn điều (cao su, cây ăn quả đặc sản, hồ tiêu,…). Do vậy, diện tích trồng điều có nguy cơ phải thu hẹp.

Điều là cây lâu năm (1 năm trồng mới, 2 năm KTCB và thời kỳ kinh doanh ≥ 20 năm, thậm chí có cây 50 năm vẫn cho năng suất cao) nên việc chặt bỏ vườn điều giống cũ chất lượng kém để trồng mới điều ghép năng suất cao đối với nông hộ là một trở ngại lớn, không thể diễn ra trên diện rộng, cần có thời gian 10 – 15 năm.

Thứ hai: Những thách thức về kỹ thuật

Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thì việc thay đổi công nghệ kĩ thuật là rất quan trọng. Tuy năng suất điều ở nước ta cao nhưng hạt điều lại nhỏ. Để thực hiện tái cơ cấu ngành điều, chúng ta cần phải được trồng mới bằng các loại giống mới có năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn so với các giống điều cũ trước đây. Cụ thể, năng suất điều phải tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với hiện nay. Quy trình sản xuất được thực hiện theo hướng sạch hữu cơ và tiến tới hữu cơ, thích ứng với những tiểu vùng trọng điểm như Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Cùng với phát triển bộ giống điều chất lượng mới, ngành điều cũng tập trung vào chế biến sâu hơn, nâng cao giá trị sản phẩm hạt điều.

Thứ ba: Thách thức về nguồn nhân lực, tài chính

Một thách thức lớn của ngành điều chính là phần lớn các doanh nghiệp điều nước ta là ở quy mô vừa và nhỏ, dưới dạng hợp tác xã. Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào sản xuất còn nhiều khó khăn hoặc thiếu cơ chế bền vững cung cấp tài trợ, gây khó khăn cho việc cạnh tranh.

Ngoài ra, nghành chế biến điều là lạm dụng lao động sống, trong khi thị trường lao động đang có xu hướng chuyển dịch sang các ngành có thu nhập cao và ổn định. Tình trạng khan hiếm lao động đối với các doanh nghiệp chế biến điều ở các tỉnh có khu công nghiệp tập trung và dịch vụ phát triển là rất lớn. Một số cơ sở chế biến điều có thể phải đóng cửa hoặc di chuyển nơi khác do khó thuê lao động và giá thuê nhân công cao, dẫn đến chế biến điều không hoặc ít có lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Cơ hội để phát triển bền vững

Hiệp định EVFTA không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu trong đó có ngành điều. Đây là cơ hội để ngành điều có thế tái sản xuất, hướng tới sự phát triển bền vững. Từ đó nâng cao chất lượng, đặc biệt giúp hạt điều Việt Nam tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu. Trong đó, giá trị thực nhận được chính là giá bán ở mức cao và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhờ chất lượng sản phẩm chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sản lượng như đối với nhiều thị trường truyền thống hiện nay.

Muốn như vậy, Việt Nam cần tăng cường áp dụng các công nghệ và thực hành sinh thái – công bằng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã (gọi tắt là MSMEs ) ngành điều; Tăng cường phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm sinh thái – công bằng.

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững thông qua nền tảng điện tử; Gia tăng thị phần của các sản phẩm áp dụng công nghệ, thiết kế sinh thái – công bằng ở Châu Âu và châu Á;

Nâng cao năng lực tiếp cận tài chính xanh cho các MSMEs; Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua kêu gọi thực hiện chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững và đối thoại chính sách về sinh thái – công bằng.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý, chất lượng lao động, trình độ tay nghề công nhân tại các cơ sở chế biến điều; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm từ điều và nhân điều; áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần không nhỏ để giải chi phí trong chế biến hạt điều.

Hiện nay, chỉ tính riêng ở Bình Phước, nhiều doanh nghiệp thành lập các hợp tác xã trồng điều sạch, điều hữu cơ để phục vụ cho xuất khẩu. Đây cũng là một hướng đi nhằm phát triển mạnh về chất cho ngành điều. Với cách làm này, doanh nghiệp có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn và chế biến sâu hơn, phát triển mạnh hơn thị trường nội địa.

Bài viết liên quan