Hội thảo: “Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP)”

Trong khuôn khổ Dự án “GreenToCompete” tại Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) tổ chức hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và Sản xuất tuần hoàn (RECP) – Hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và hiệu quả hơn về tài nguyên”. Mục tiêu của buổi hội thảo nhằm cập nhật, cung cấp thông tin về chính sách, quy định của Việt Nam đối với các hoạt động sản xuất sạch hơn, tiết kiệm hơn cho nhà máy và doanh nghiệp; các chủ đề sinh thái – công bằng tại Việt Nam (trong hoạt động liên kết với dự án Eco-Fair); và cập nhật kết quả đạt được của hợp phần RECP trong năm 2021.

Hội thảo được tổ chức ngày 21 tháng 6 năm 2022, tại Cục XTTM, số 20 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội với các đại biểu từ các Bộ, Ngành, Trung tâm XTTM, Hiệp hội, Tổ chức và các doanh nghiệp.

Hội thảo góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc nắm bắt và tích hợp các chiến lược kinh doanh bền vững, đặc biệt là việc hỗ trợ kỹ thuật để tiếp cận với các tiêu chuẩn “xanh” và nguồn tài chính “xanh”.

Trong năm 2021, các doanh nghiệp đã được lựa chọn tham gia chương trình, trong đó có 13 doanh nghiệp và nhà máy đầu tiên đã được đánh giá về việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn cho các ngành hàng: Hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may, nông sản, thực phẩm chế biến và thủy hải sản.

Tổng cộng 52 giải pháp được đưa ra cho nhóm doanh nghiệp và và nhà máy được lựa chọn đánh giá trong đợt đầu, trong đó các giải pháp chính bao gồm: tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên đầu vào như điện, nhiệt, nước, sinh khối; các giải pháp cải thiện môi trường lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; các giải pháp về quy trình sản xuất, sản xuất tuần hoàn và tăng hiệu quả truyền thông. Phần lớn các giải pháp có thời gian hoàn vốn dưới 2 năm (41/52 giải pháp), số còn lại có thời gian hoàn vốn 2-5 năm (6 giải pháp), 6-10 năm (2 giải pháp) và chỉ có 1 giải pháp có thời gian hoàn vốn trên 10 năm.

Trong số 52 giải pháp được đưa ra, 61% cần mức kinh phí đầu tư dưới 100 triệu, 29% không cần đầu tư và chỉ 10% cần chi phí đầu tư từ 100 – 500 triệu.

Hiệu quả kinh tế được ước tính là 34,6 tỷ tiết kiệm được nếu như doanh nghiệp thực hiện theo các giải pháp của tư vấn.

Trong năm 2021, hợp phần được triển khai vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hạn chế khả năng đi lại của tư vấn. Tuy nhiên, dự án cùng với đội ngũ tư vấn và các doanh nghiệp tham gia đã cùng phối hợp tìm kiếm, thực hiện các giải pháp và đã thành công với hình thức tư vấn trực tuyến.

Trong thời gian tới, hợp phần tiếp theo sẽ được triển khai với sự hỗ trợ của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC, sự phối hợp của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương cũng như việc lồng ghép Dự án Xúc tiến Cung và Cầu cho các sản phẩm nông sản sinh thái công bằng tại Việt Nam (Eco-Fair)

———————-

Giới thiệu về dự án Thương mại vì sự Phát triển bền vững (GreenToCompete Hub) tại Việt Nam

Chúng ta tiêu thụ và gây ô nhiễm nhiều hơn mức mà trái đất có thể duy trì. Biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường và đa dạng sinh học một cách hàng loạt đang tác động đến sinh kế của người dân. Chúng ta chỉ còn một vài năm ngắn ngủi để đảo ngược xu hướng này và bắt đầu tạo ra một vòng tròn mới chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và bao trùm, đây là thách thức và cơ hội của thời đại chúng ta.
Sức mạnh của thương mại bền vững có thể được sử dụng để làm giàu cho chúng ta cũng như hành tinh của chúng ta. Bằng cách tăng cường liên kết và cùng nhau đổi mới, chúng ta có thể sử dụng thương mại xanh để tạo ra sự thịnh vượng lâu dài cho mọi người ở mọi nơi trên thế giới.
Thông qua dự án Thương mại vì sự Phát triển bền vững (GreenToCompete), Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) thúc đẩy đa dạng sinh học và thúc đẩy chu kỳ sản xuất tuần hoàn, đặt tính bền vững môi trường vào trọng tâm nhằm thúc đẩy thương mại bền vững.
Dự án Thương mại vì sự Phát triển bền vững là một chất kích hoạt cho sự thay đổi để thương mại mang lại lợi ích cho cả hành tinh và con người. Dự án cung cấp kiến ​​thức chuyên môn một cách thực tế cũng như kết nối mạng lưới toàn cầu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách kích hoạt họ “đi theo hướng xanh”.

Các hoạt động của dự án bao gồm:

Vận động chính sách để các chính sách liên quan đến thương mại gắn với môi trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dựa trên sự thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất tuần hoàn.
Dịch vụ Hỗ trợ để hệ sinh thái tài chính, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trao quyền cho các doanh nghiệp – để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách đi theo hướng xanh
Kết nối thị trường – để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận thị trường bền vững
Tại Việt Nam, dự án Thương mại vì sự Phát triển bền vững đã thành lập đầu mối GreentoCompete Hub dưới sự bảo trợ của Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương

Địa chỉ:

GreentoCompete Hub Vietnam,
Cục Xúc tiến thương mại, 20 Lý Thường Kiệt – Hà Nội
Nguyễn Thị Minh Thúy, Quản lý hợp phần, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Cục XTTM.
Email: thuyntm@vietrade.gov.vn.

Trích nguồn: https://vietrade.gov.vn/tin-tuc/8178/hoi-thao-%E2%80%9Csu-dung-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-va-san-xuat-tuan-hoan-recp.html

 

Bài viết liên quan