“Đòn bẩy” cho sản phẩm đạt chứng nhận sinh thái công bằng

Sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ là xu hướng chung của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề “Nông nghiệp sinh thái và thương mại công bằng” chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng. Cần chính sách đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động này tại Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế từ các FTA đã triển khai, đồng thời hướng tới nông nghiệp bền vững.

Doanh nghiệp chưa mặn mà đến nông nghiệp sinh thái

Tại buổi đối thoại Chính sách trực tuyến về xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm nông sản sinh thái – công bằng do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) và các đơn vị tổ chức ngày 21/12, ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) chỉ rõ, thời gian gần đây “Nông nghiệp Sinh thái và Thương mại công bằng” đang nổi lên như một chiến lược phát triển nông nghiệp đầy hứa hẹn ở nhiều quốc gia, thậm chí có thể hiểu đã trở thành một tiêu chuẩn cần có trong nông sản hàng hóa.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã vận hành từ ngày 1/8/2020 có hẳn điều khoản khẳng định và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm sinh thái – công bằng, là thể hiện sự quan tâm của các nước về môi trường.

“Tuy nhiên trong năm đầu tiên vận hành EVFTA, vấn đề “Nông nghiệp sinh thái và thương mại công bằng” chưa được nhiều doanh nghiệp áp dụng, vô tình bỏ quên lợi thế tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn tại thị trường EU và một số thị trường khác” – ông Đặng Phúc Nguyên chỉ rõ. Đồng thời nêu nguyên nhân có thể là do còn mới quá, doanh nghiệp chưa kịp nhận ra sự cần thiết và lợi ích việc hàng hóa có Chứng nhận sinh thái – công bằng.

Không ít doanh nghiệp giữ nếp làm ăn cũ, cho rằng chỉ cần phấn đấu có Chứng nhận GlobalGAP hoặc VietGAP để hàng hóa có thể vào châu Âu, có VietGAP để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp còn cho biết “chỉ cần hàng đẹp là xuất sang thị trường Trung Quốc được” trong khi Trung Quốc đang từng bước xiết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản theo hướng quản lý Chứng nhận. Các chuyên gia cho biết nhu cầu của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm đã được bổ sung nhiều yếu tố hơn, trong đó bao gồm nhu cầu nông sản được sản xuất trong môi trường Sinh thái bền vững và thương mại công bằng.

Chia sẻ về những cơ chế chính sách của Nhà nước, TSKH. Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho hay, năm 2017 là bước ngoặt mốc son quan trọng cho sự vận động chính sách nông nghiệp hữu cơ. Đảng ta có chủ trương “… Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao giá trị lớn…” và “… Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ…”.

Từ những chủ trương chỉ đạo của Đảng, ngày 29/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và Bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN:11041(2017). Trong Nghị định 109/2018/NĐ-CP đã quyết định rất nhiều nội dung chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hữu cơ và chính sách đặc thù hỗ trợ (Điều 16 và 17 của Nghị định).

Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương và chính sách về nông nghiệp hữu cơ đã ban hành, ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái… Đồng thời, Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Cụ thể một số chỉ tiêu như: Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tỷ lệ 3% so với tổng diện tích đất nông nghiệp, tổng sản phẩm chăn nuôi và tổng diện tích nuôi trồng thủy sản…

“Đó là những chính sách đầu tiên nhất cho sự phát triển nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Do vậy, chưa có chính sách tiền tệ, chưa tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và cũng không có thời gian khảo sát một cách khoa học, khách quan các mô hình trong nước, quốc tế. Nhưng nếu tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời chỉ đạo thành công các mục tiêu chủ yếu của Đề án thì đến năm 2030 tổng sản phẩm giá trị hữu cơ sẽ đạt khoảng 6 đến 10 tỷ USD, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất sẽ tăng gần gấp đôi so với giá trị hiện nay. Tiềm năng thế mạnh các vùng miền, địa phương được phát huy; nhất là những địa phương còn nhiều vùng đất không bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học” – TSKH Hà Phúc Mịch nhận định.

“Đòn bẩy” cho nông nghiệp sinh thái

Nhằm phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam, theo các Hiệp hội, chuyên gia, cần các chính sách đủ mạnh cho ngành nghề này.

Theo đó, TSKH Hà Phúc Mịch cho rằng, ở tầm vĩ mô, các Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp cần thiết có tổng kết, đánh giá các chính sách đã ban hành như: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN:11041 -2017/2018); Nghị định 109/2018/NĐ-CP nhằm chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn và còn bất cập, chưa đầy đủ cho tổ chức thực hiện. Vào thời điểm sau 5 năm thực hiện (2023 và 2028). “Vào thời điểm thích hợp Nhà nước ta có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn như pháp lệnh hoặc Luật về nông nghiệp hữu cơ. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm hiện nay của các nước Liên minh châu Âu, Mỹ về vấn đề này” – TSKH Hà Phúc Mịch nhấn mạnh.

Bên cạnh hành lang pháp lý, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, ban hành chính sách ưu tiên, khuyến khích cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ (giống, phân bón, thức ăn gia súc, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thú y …)

Đồng thời, xây dựng chính sách có quan điểm hướng đến số đông hiện nay tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ là nông dân, các nông hộ, gia trại. Đây là những đối tượng yếu thế cần quan tâm ưu tiên, ngoài mục tiêu kinh tế nông nghiệp hữu cơ còn đóng góp cho chính sách an sinh xã hội.

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho rằng, để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam, cần tập trung tăng cường thông tin trong các Viện, Trường nông nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng, Chợ đầu mối nông sản, doanh nghiệp và truyền thông đại chúng về EVFTA, cơ hội thuận lợi và lợi ích xuất khẩu nông sản vào châu Âu. Song song với đó, tăng cường thông tin về tổ chức thực hiện “Nông nghiệp Sinh thái và Thương mại công bằng” trên nền tảng sản xuất G.A.P, Chứng nhận Sinh thái – công bằng chỉ được cấp cho sản phẩm thực hiện đầy đủ nội dung của bộ tiêu chuẩn về khía cạnh môi trường và xã hội bền vững.

Ngoài ra, tổ chức đưa “Nông nghiệp Sinh thái và Thương mại công bằng” vào xã hội thông qua các dự án tổ chức và khuyến khích thực hành sinh thái – công bằng, tăng cường áp dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường, phát triển và đa dạng hóa sản xuất các sản phẩm sinh thái – công bằng, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững thông qua kỹ thuật số, nền tảng điện tử, IoT. Gia tăng thị phần của các sản phẩm áp dụng công nghệ, thiết kế Sinh thái – công bằng ở châu Âu và các khu vực thị trường khác. Nâng cao năng lực tiếp cận tài chính Xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, chế biến và tiêu dùng bền vững thông qua dự án kêu gọi thực hiện chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững và đối thoại chính sách về Sinh thái – công bằng.

Riêng đối với ngành chăn nuôi, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; Mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn.

Tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt. Đàm phán với các nước xuất khẩu lớn (Mỹ, Brazin, Achentina, Ấn Độ, Australia, Nga, Ucraina…) có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào Việt Nam, vì hiện nay nước ta đang nhập siêu về nhóm mặt hàng này (trung bình khoảng 6-6,5 tỷ USD/năm).

Phương Lan

(Trích nguồn: https://congthuong.vn/don-bay-cho-san-pham-dat-chung-nhan-sinh-thai-cong-bang-169643.html)

Bài viết liên quan