Câu chuyện sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên của Hợp tác xã Bản Luông – Bắc Kạn

Nhắc đến chất thải rắn, đa phần mọi người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay tới “núi” chất thải tại các bãi chôn lấp ở ngoại thành các thành phố lớn. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, hiện nay, cùng với việc cơ cấu các ngành sản xuất ở nông thôn đang ngày càng được đa dạng và đẩy mạnh, các hoạt động nông nghiệp đã tạo ra một lượng chất thải rắn khổng lồ. Nếu không được xử lý, lượng chất thải nông nghiệp này sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu được tận dụng, nó sẽ trở thành một nguồn tài nguyên có ý nghĩa và giá trị cả về mặt kinh tế và môi trường. Trong khuôn khổ dự án Eco-fair, chúng tôi đã gặp một người phụ nữ tâm huyết với bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp bền vững như vậy.

Đã từng làm đến vị trí trợ lý ban giám đốc của một tập đoàn liên quan tới lĩnh vực tư vấn, chăm sóc khách hàng ở Hà Nội, nhưng chị Ngô Thị Thanh Tâm cùng chồng đã quyết tâm từ bỏ tất cả lên Bắc Kạn- một tỉnh miền núi Đông Bắc Bộ để theo đuổi đam mê nông nghiệp sạch. Vào những ngày đầu, anh chị đã gặp phải rất nhiều khó khăn, bởi việc học hỏi và tìm tòi tất cả mọi thứ liên quan đến canh tác nông nghiệp đã khó, liên quan tới nông nghiệp sạch bền vững lại càng muôn phần khó khăn. Đã có đôi lúc, chị suy nghĩ liệu việc mình từ bỏ con đường đi thuận lợi để lựa chọn một con đường khó khăn như vậy liệu có có thực sự xứng đáng.

Hình ảnh: chị Tâm bên vườn rau tươi tốt và ao cá do chính chị nuôi trồng và chăm sóc

Là Giám đốc HTX Bản Luông, một HTX nông nghiệp vùng cao thuộc phía đông Nam huyện Bạch Thông, trung tâm tỉnh Bắc Kạn. Chị Tâm tâm sự với chúng tôi rằng chị thích gọi lĩnh vực nông nghiệp mà chị đang làm là nông nghiệp thuận tự nhiên hơn gọi là nông nghiệp hữu cơ, bởi lẽ nông nghiệp hữu cơ ngày nay được rất nhiều người dùng để quảng bá cho sản phẩm, tuy nhiên chỉ một số ít người hiểu được đầy đủ khái niệm về nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu cốt lõi mà chị theo đuổi là tận dụng tối đa những giống bản địa, sự đa dạng sinh vật tại địa phương, tận dụng chất thải từ quá trình này để làm nguyên liệu cho quá trình khác, cố gắng để khép kín vòng tuần hoàn vật chất, ít để lọt chất thải nhất trong quá trình sản xuất.

Cây dong riềng giống bản địa của vùng Bắc Kạn chính là sự khởi đầu cho chuỗi sản xuất nông nghiệp thuận theo tự nhiên của chị. Dong riềng và các sản phẩm chế biến từ dong riềng đã trở thành một nét đặc trưng trong các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Kạn. Tuy nhiên, phần bã dong riềng sau khi lọc lấy tinh bột thường bị bỏ đi, không được xử lý, đã tạo ra những ảnh hưởng xấu tới môi trường đất và nước xung quanh các khu vực dân cư, đồng thời cũng gây lãng phí một tài nguyên đầy tiềm năng. Nhiều cơ sở chế biến dong riềng thường ủ bã dong riềng cùng với ure và muối làm phân, tuy nhiên, cách làm này chưa thực sự tạo ra các sản phẩm thuận theo tự nhiên như chị mong muốn.

Hình ảnh: Ấu trùng ruồi lính đen đang ăn bã củ dong riềng tại thí nghiệm của chị Tâm

Khi gặp các cán bộ Dự án Eco-fair, chị Tâm thấy đã tìm được những người bạn có chung quyết tâm, chí hướng với chị. Ban đầu, Dự án trao đổi và cùng chị tìm ra giải pháp sử dụng bã dong riềng làm nguồn thức ăn để nuôi ruồi lính đen (BSF)- một loài côn trùng có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, không gây hại cho môi trường mà lại dễ nuôi. Sự kết hợp này sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ bã dong riềng, hạn chế tạo mùi khó chịu cho khu dân cư xung quanh, đồng thời tạo ra nguồn thức ăn sạch giàu protein cho gà trong trang trại của chị. Bên cạnh đó, phân của ruồi lính đen là nguồn phân bón giàu dinh dưỡng cho cây trồng, được chị tái sử dụng lại cho quá trình trồng dong riềng sau đó. Tính đến hiện tại, chị đã thử nghiệm thành công nuôi ấu trùng ruồi lính đen trên bã dong riềng. 

Càng trao đổi, làm việc nhiều hơn với chị, nhóm dự án chúng tôi đã được chị tiết lộ về mong muốn xây dựng một trang trại thí điểm của vùng để chứng minh hiệu quả và kết nối đầu ra, sau đó chuyển giao công nghệ cho bà con cùng làm theo hướng “Nông nghiệp thuận theo tự nhiên” của HTX Bản Luông. 

Hình ảnh: Đàn gà được nuôi hoàn toàn bằng nguyên liệu tuần hoàn, tái sử dụng từ các phần phụ phẩm của các quá trình trước đó

Được truyền cảm hứng bởi sự quyết tâm của chị, những cuộc trao đổi, những buổi họp online liên tục do chưa thể gặp mặt trực tiếp do dịch covid dường như đã trở thành một công việc quen thuộc. Nhóm chuyên gia dự án Eco-fair đã tiếp tục cùng chị nghiên cứu và tư vấn, tiến hành xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp khép kín, là nơi tiếp nhận thử nghiệm các công nghệ mới được chuyển giao từ trung tâm CCS về kỹ thuật nông nghiệp, điển hình nhất là ứng dụng than sinh học làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, cải tạo đất và ủ phân compost cho trồng trọt hữu cơ, ứng dụng công nghệ khí hóa liên tục VCBG (được sáng chế bởi trung tâm CCS) để sản xuất than sinh học và sưởi ấm cho gia cầm.

Trên con đường hướng xây dựng và phát triển trang trại “nông nghiệp thuận theo tự nhiên” sắp tới của chị chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin rằng với bản lĩnh và sự quyết tâm của chị, mọi khó khăn chỉ là bước đầu tiên, chị sẽ vượt qua và xây dựng thành công một hình ảnh trang trại hữu cơ đúng nghĩa, trở thành một mô hình kiểu mẫu cho những người lựa chọn con đường và chí hướng giống chị, đồng thời lan tỏa lối sống xanh, sạch tới cộng đồng xung quanh chị.

Bài viết được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS), biên tập bởi Dự án Eco-Fair.

Bài viết liên quan