Kinh tế xanh nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
Biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường và đa dạng sinh học một cách hàng loạt đang tác động đến sinh kế của người dân. Việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh đang là thách thức và cơ hội của doanh nghiệp.
Ngày 21/6, trong khuôn khổ Dự án “GreenToCompete” tại Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Bộ Công Thương, phối hợp với Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) tổ chức hội thảo “Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn (RECP) – Hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và hiệu quả hơn về tài nguyên”.
Thay đổi mô hình tăng trưởng
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã cập nhật, cung cấp thông tin về chính sách, quy định của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất sạch hơn, tiết kiệm hơn cho nhà máy và doanh nghiệp; các chủ đề sinh thái – công bằng tại Việt Nam (trong hoạt động liên kết với dự án Eco-Fair); và cập nhật kết quả đạt được của hợp phần RECP trong năm 2021.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu, thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới như: Hà Lan, Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Canada, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tuần hoàn.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.
Việt Nam đã thể chế hóa một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: Phân loại chất thải tại nguồn, thu phí chất thải dựa trên khối lượng, tái chế, tái sử dụng chất thải; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; các công cụ, chính sách kinh tế như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, phát triển thị trường các-bon, phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường…
“Dù hợp phần được triển khai vào đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hạn chế khả năng đi lại của tư vấn. Tuy nhiên, dự án cùng với đội ngũ tư vấn và doanh nghiệp tham gia đã cùng phối hợp tìm kiếm, thực hiện các giải pháp và đã thành công với hình thức tư vấn trực tuyến” – ông Hoàng Minh Chiến nói.
Hiệu quả kinh tế cao
Trong năm 2021, các doanh nghiệp đã được lựa chọn tham gia chương trình. Trong đó, 13 doanh nghiệp, nhà máy đầu tiên đã được đánh giá về việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn cho các ngành hàng: Hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, nông sản, thực phẩm chế biến và thủy hải sản.
Tổng cộng 52 giải pháp được đưa ra cho nhóm doanh nghiệp và nhà máy được lựa chọn đánh giá trong đợt đầu, trong đó các giải pháp chính bao gồm: Tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên đầu vào như điện, nhiệt, nước, sinh khối; giải pháp cải thiện môi trường lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giải pháp về quy trình sản xuất, sản xuất tuần hoàn và tăng hiệu quả truyền thông.
Phần lớn các giải pháp có thời gian hoàn vốn dưới 2 năm (41/52 giải pháp), số còn lại có thời gian hoàn vốn 2 – 5 năm (6 giải pháp), 6 – 10 năm (2 giải pháp) và chỉ có 1 giải pháp có thời gian hoàn vốn trên 10 năm.
Cũng trong số 52 giải pháp được đưa ra, 61% cần mức kinh phí đầu tư dưới 100 triệu, 29% không cần đầu tư và chỉ 10% cần chi phí đầu tư từ 100 – 500 triệu. Hiệu quả kinh tế được ước tính là 34,6 tỷ tiết kiệm được nếu như doanh nghiệp thực hiện theo các giải pháp của tư vấn.
Thực tế cho thấy, để doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao tính cạnh tranh phải kích hoạt các doanh nghiệp đi theo hướng xanh, bao gồm vận động chính sách liên quan đến thương mại và TN&MT nhằm giúp các doanh nghiệp phát triển dựa trên thích ứng biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó là dịch vụ hỗ trợ về tài chính công nghệ tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cùng với đó là việc kết nối thị trường.
Phó Trưởng phòng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) Trần Thu Hằng cho rằng, phát triển bền vững là một trong những vấn đề đang được quan tâm trong phát triển kinh tế xanh. Thời gian qua, trong giai đoạn 2016 – 2020, mặc dù kinh tế bị chững bởi Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức về ô nhiễm môi trường, năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, áp dụng công nghệ… do độ mở về kinh tế khá lớn.
Việt Nam đang rất chú trọng đến vấn đề phát triển bền vững, trong đó chú trọng đến đổi mới sáng tạo, hướng công nghệ đến thân thiện môi trường, cải tiến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, bà Trần Thu Hằng cho rằng, để làm được điều đó cần sự tham gia của các bên, cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng phải tạo ra chuỗi liên kết. Muốn vậy, phải thúc đẩy việc quản lý khai thác sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, các mô hình sản xuất bền vững, qua đó chính là hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Cũng bàn về vấn đề trên, ông Hoàng Minh Chiến khẳng định, Cục XTTM, ITC và các đối tác cam kết sẽ mang đến những hoạt động xây dựng năng lực có chất lượng, hướng dẫn và tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp chuyển đối thành công hoạt động sản xuất, chế biến của mình theo hướng tuần hoàn và tiết kiệm tài nguyên. Hy vọng rằng trong thời gian tới, việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, hỗ trợ cho doanh nghiệp đắc lực cho các doanh nghiệp tham gia dự án.
Các hoạt động của dự án bao gồm: Vận động chính sách để các chính sách liên quan đến thương mại gắn với môi trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dựa trên sự thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất tuần hoàn; Dịch vụ hỗ trợ để hệ sinh thái tài chính, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Trao quyền cho các doanh nghiệp – để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách đi theo hướng xanh; Kết nối thị trường để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận thị trường bền vững.
Trích nguồn: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-xanh-nang-cao-suc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep.html