Cơ hội phát triển ngành nông sản bền vững, công bằng
Dự án Eco-Fair mang đến cơ hội để Việt Nam tiến tới một ngành nông sản bền vững hơn thông qua việc thu hút các bên liên quan trong chuỗi giá trị, bao gồm khu vực tư nhân, các nhóm người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách.
Đây là khẳng định của ông Koen Duchateau – Trưởng ban Hợp tác – Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam trong buổi Đối thoại Chính sách trực tuyến về xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm nông sản sinh thái – công bằng. Sự kiện do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) và các đơn vị tổ chức, nằm trong khuôn khổ Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Dự án Eco Fair) do Liên minh châu Âu đồng tài trợ 1,5 triệu EUR thông qua Chương trình SWITCH-Asia của liên minh Châu Âu.
Xu hướng chung
Sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ là xu hướng chung của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn luôn được coi là trọng tâm mà Đảng và nhà nước quan tâm nhằm góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050 đưa ra định hướng phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với các trụ cột chính là: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.
Để đạt được những mục tiêu phát triển nông nghiệp mà Đảng và Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2021-2030, các chính sách về phát triển bền vững nói chung, phát triển nông nghiệp bền vững nói riêng đã được xây dựng, bao gồm Nghị quyết số 136 về phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, các hợp tác xã và doanh nghiệp là đầu tàu trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) chỉ rõ, thời gian gần đây “Nông nghiệp Sinh thái và Thương mại công bằng” đang nổi lên như một chiến lược phát triển nông nghiệp đầy hứa hẹn ở nhiều quốc gia, thậm chí có thể hiểu đã trở thành một tiêu chuẩn cần có trong nông sản hàng hóa. Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã vận hành từ ngày 1/8/2020 có hẳn điều khoản khẳng định và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm sinh thái – công bằng, là thể hiện sự quan tâm của các nước về môi trường.
Tuy nhiên cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong năm đầu tiên vận hành EVFTA, vấn đề “Nông nghiệp sinh thái và thương mại công bằng” chưa được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Nguyên nhân có thể là do còn mới quá và không ít doanh nghiệp giữ nếp làm ăn cũ. Điều này đã làm mất đi rất nhiều cơ hội cho các sản phẩm nông sản Việt Nam.
“Đòn bẩy” cho sản phẩm đạt chứng nhận sinh thái công bằng
Nhằm phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam, theo các Hiệp hội, chuyên gia, cần các chính sách đủ mạnh cho ngành nghề này. Dự án Eco-Fair mang đến một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tiến tới một ngành nông sản bền vững hơn thông qua việc thu hút các bên liên quan trong chuỗi giá trị, bao gồm khu vực tư nhân, các nhóm người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách để đạt được mục tiêu chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn.
Theo TSKH Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, ở tầm vĩ mô, các Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp cần thiết có tổng kết, đánh giá các chính sách đã ban hành như: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN:11041 -2017/2018); Nghị định 109/2018/NĐ-CP… Đồng thời nghiên cứu những chính sách cao hơn.
Bên cạnh hành lang pháp lý, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, ban hành chính sách ưu tiên, khuyến khích cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ (giống, phân bón, thức ăn gia súc, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thú y…)
Đồng tình quan điểm này, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, về mặt truyền thông, cần tăng cường thông tin trong các Viện, Trường nông nghiệp, các Hiệp hội ngành hàng, Chợ đầu mối nông sản, MSMEs và truyền thông đại chúng về EVFTA, cơ hội thuận lợi và lợi ích xuất khẩu nông sản vào châu Âu. Đồng thời tăng cường thông tin về tổ chức thực hiện “Nông nghiệp Sinh thái và Thương mại công bằng” trên nền tảng sản xuất G.A.P, Chứng nhận Sinh thái – công bằng chỉ được cấp cho sản phẩm thực hiện đầy đủ nội dung của bộ tiêu chuẩn về khía cạnh môi trường và xã hội bền vững.
Ngoài ra, cần tổ chức đưa “Nông nghiệp Sinh thái và Thương mại công bằng” vào xã hội. Thông qua các dự án tổ chức và khuyến khích thực hành sinh thái – công bằng, tăng cường áp dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường, phát triển và đa dạng hóa sản xuất các sản phẩm sinh thái – công bằng, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Ngô San (Vietnam Business Forum)
(Trích nguồn: https://vccinews.vn/news/40432/co-hoi-phat-trien-nganh-nong-san-ben-vung-cong-bang.html)