Hội thảo Phụ phẩm nông nghiệp – Nguồn tài nguyên tái tạo: Hướng đi mới cho các sản phẩm nông sản sinh thái-công bằng
Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái- công bằng tại Việt Nam” (Dự án Eco Fair) do Liên minh châu Âu đồng tài trợ 1,5 triệu EUR thông qua Chương trình SWITCH-Asia, phối hợp cùng với Vụ Khoa học công nghệ – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) và các đối tác tổ chức.
Buổi Hội thảo Đối thoại nhằm Chia sẻ kinh nghiệm và kết nối phát triển sinh thái – công bằng, vận động ủng hộ việc tạo môi trường cho sản xuất bền vững nói chung và phụ phẩm nông nghiệp là nguồn lực tái tạo nói riêng. Thảo luận chính sách về quản lý và sử dụng hiệu quả phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào chế biến và ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn…
Hội thảo thu hút rất đông các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia, địa phương… |
Ông Jesus Lavina – Phó Trưởng ban Hợp tác Phát triển – Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết, “Trong nhiều thập kỷ, Liên minh Châu Âu đã đi đầu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Trong khi nông nghiệp có góp phần vào phát thải khí nhà kính cũng như mang lại cơ hội đáng kể để chống lại. các biến đổi khí hậu, ví dụ như thông qua quá trình hấp thụ carbon trong đất lành mạnh, cung cấp nguồn tái tạo thay thế như khí sinh học, phụ phẩm nông nghiệp hoặc chất thải cho các phương pháp tiếp cận năng lượng”.
Chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia về “Xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp”, PGS.TS. Bùi Bá Bổng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%); 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Hiện nay, tỉ lệ phụ phẩm cây trồng (vỏ lạc, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, vỏ đậu tương, củi…) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%. Trong chăn nuôi, chỉ khoảng 20% lượng phân được sử dụng hiệu quả.
Trong khi đó, Hà Lan có số lượng gia súc gia cầm ít hơn nước ta: Bò 3,9 triệu con, Heo 12,4 triệu con, Gà 87,2 triệu con nhưng số lượng phân chuồng sản xuất được 76,2 triệu tấn/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ thay thế phân hóa học bằng phân hữu cơ đạt rất cao. Tỷ lệ đạm (N) từ phân hữu cơ 54%, phân hóa học 38%; tỷ lệ lân (P2O5) từ phân hữu cơ 90%, phân hoá học 6%.
“Hiện Hà Lan là nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 thế giới với diện tích nông nghiệp chỉ khoảng 2 triệu ha. Hà Lan hiện là nước tiên phong phát triển nông nghiệp tuần hoàn” – PGS.TS. Bùi Bá Bổng chia sẻ.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Long – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững chia sẻ, tiềm năng sinh khối của Việt Nam là trên 160 triệu tấn/năm, tương đương 60 triệu tấn dầu DO gồm: Phế phụ phẩm trồng trọt: trấu, rơm, rạ, bã mía, thân ngô, cây công nghiệp (sắn, cao su, dừa…), hạt các loại (lạc, macca, casava), cây ăn quả…; Phế phụ phẩm lâm nghiệp: giấy vụn, vụn gỗ…; Phế phụ phẩm chăn nuôi: phân từ trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; chất thải rắn đô thị.
Lợi ích của công nghệ là sẽ biến rác thải thành thu nhập (ví dụ việc biến phế phụ phẩm nông nghiệp thành nhiên liệu có thể sinh ra 1 tấn sinh khối có giá trị 600.000 – 2.500.000 đồng). Bên cạnh đó, giúp loại bỏ ô nhiễm kép gây ra bởi đốt nhiên liệu hoá thạch cấp năng lượng và đốt sinh khối trên ruộng, nương (giảm 700 g CO2 e/kg nhiên liệu sinh khối). Đồng thời, cải thiện điều kiện làm việc của người sử dụng và người lao động vì không phải phơi nhiễm với khói bụi độc hại; Tạo ra một hệ sinh thái mới với các thiết bị khí hoá sinh khối, cung ứng nhiên liệu, sử dung than sinh học và các dịch vụ đi kèm; Cải thiện chất lượng đất và hệ sinh thái nhờ than sinh học.
Theo Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững, tiềm năng sinh khối của cả nước hiện vào khoảng 160 triệu tấn; Tiềm năng kinh tế: 60 triệu TOE (tấn quy dầu), tương đương khoảng 46,5 tỷ USD. Nguồn lợi này cũng có tiềm năng tạo việc làm cho 180.000 người và làm lợi cho 13 triệu hộ gia đình, 900.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Với tiềm năng thị trường công nghiệp ít nhất 40 tiểu ngành có thể ứng dụng nhiệt năng từ công nghệ khí hóa sinh khối. Tính nhân rộng rất cao, không chỉ ứng dụng được ở Việt Nam mà còn cả cho các nước đang phát triển khác.
Với những tiềm năng lớn như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) chia sẻ tại hội thảo: “Dự án Eco-Fair ra đời với sứ mệnh thay đổi hành vi của các tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra những biện pháp tích cực về xã hội và cải thiện môi trường. Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng về các giá trị bền vững với xã hội và môi trường thông qua việc thực hiện các hoạt động của dự án như nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất tuần hoàn, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị”.
Bà Lưu Hải Thuý, chuyên gia thị trường của VIRI nhấn mạnh thêm: “Nhiều quốc gia trên thế giới đã tận dụng thành công các phế phụ phẩm trong nông nghiệp thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc các sản phẩm có giá trị gia tăng một cách hiệu quả. Một số sản phẩm phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt tại các hãng hàng đầu thế giới, ví dụ như hãng thời trang HERMES vừa ra mắt dòng sản phẩm trang sức từ sừng trâu “Made in Vietnam” với giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu/sản phẩm. Do đó, chúng tôi hy vọng các sản phẩm nông nghiệp cũng như sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước”.