Sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh – sạch: Cơ hội khẳng định mình của trái cây chế biến xuất khẩu Việt Nam

Sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh – sạch: Cơ hội khẳng định mình của trái cây chế biến xuất khẩu Việt Nam

Trái cây chế biến Việt Nam có chứng nhận sinh thái công bằng đang rộng mở xuất khẩu sang EU, theo EVFTA với kì vọng sẽ khai thác sâu rộng thị trường này nhờ những ưu đãi của hiệp định mang lại.

Lợi thế của trái cây chế biến có chứng nhận sinh thái công bằng

Hiệp định EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho thị trường nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong đó có ngành trái cây chế biến. Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây chế biến ở nước ta đang chứa đựng nhiều yếu tố thiếu bền vững, đòi hỏi phải sớm có giải pháp khắc phục.

Theo đó phát triển các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng là một xu hướng bền vững và đang được nhiều quốc gia hưởng ứng, trong đó có Việt Nam bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại.

Về kinh tế, các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng nói chung và ngành trái cây chế biến nói riêng sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất, tạo cú hích giúp chuẩn hoá qui trình sản xuất cho trái cây Việt Nam.

Trên thực tế, ngành trái cây chế biến ở nước ta mới chỉ đang đầu tư theo chiều rộng, nhằm tăng quy mô, sản lượng, chưa chú trọng đầu tư chiều sâu nhằm tạo ra những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp chủ yếu thu mua trực tiếp từ người nông dân. Việc sản xuất theo hướng sinh thái, công bằng sẽ giúp chất lượng nguyên liệu đầu vào, chất lượng đầu ra được đảm bảo. Từ đó, đáp ứng được nhu cầu của thị trường xuất khẩu.

Về mặt bảo vệ môi trường, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, đều dựa vào tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, biển, rừng…) nên sự phát triển sản xuất nông nghiệp đang có nguy cơ hủy hoại các nguồn tài nguyên này. Hơn nữa, do trình độ sản xuất lạc hậu nên môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng trong quá trình sản xuất.

Việc nghiên cứu các quy trình sản xuất thân thiện môi trường và đưa vào áp dụng tại các cơ sở sản xuất như quy trình trái cây an toàn… sẽ làm giảm ảnh hưởng xấu của tác động canh tác nông nghiệp lên các loại tài nguyên, giúp phát triển bền vững.

Về mặt xã hội, phát triển sản xuất và xuất khẩu trái cây chế biến đang là nơi thu hút nhiều lao động, tuy nhiên, đây cũng là nơi nảy sinh những nguyên nhân dẫn đến kém bền vững về mặt xã hội của nước ta hiện nay. Do xuất khẩu trái cây chế biến chủ yếu vẫn theo chiều rộng, chất lượng lao động không cao và thu nhập của người lao động không ổn định nên sự biến động của thị trường thế giới làm cho người nông dân dễ bị tổn thương, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong thu nhập giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Lao động nông nghiệp chịu nhiều thiệt thòi trong việc phân chia giá trị gia tăng thu được nhờ quá trình hội nhập và tự do hóa thương mại.

Áp dụng hướng phát triển trái cây chế biến theo hướng sinh thái, công bằng, đồng nghĩa với việc chia sẻ lợi ích bình đẳng trong thương mại, trước hết là cơ chế chia sẻ lợi ích trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Người nông dân được tiếp cận với kĩ thuật mới, nâng cao tay nghề. Hơn nữa, giá trị những sản phẩm tăng lên, góp phần ổn định nguồn thu nhập, giải quyết vấn đề mất việc làm và thay đổi ngành nghề của người lao động.

Trong tầm tay nhưng không dễ

Lợi ích của việc phát triển các sản phẩm trái cây chế biến theo hướng sinh thái, công bằng là rất rõ nhưng để thực hiện thì vẫn có nhiều những khó khăn và thách thức. Ngành trái cây chế biến muốn phát triển bền vững cần cần hai yếu tố: nguyên liệu tốt và công nghệ chế biến bảo quản tốt. Nếu không xây dựng được song song hai yếu tố này thì không tránh khỏi bị lãng phí.

Muốn làm sản phẩm xanh – sạch, nguyên liệu đầu vào cần đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra, có truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, đầu tiên chúng ta cần tạo ra nguyên điểm liệu tốt, ổn định, tìm được đầu ra. Muốn được như vậy chúng ta cần:

Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ (MSME) để triển khai các thực hành sản xuất bền vững và đổi mới sản phẩm trong chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu chế biến trái cây. Theo đó, cần tổ chức lại, xây dựng hình thành các chuỗi liên kết từ khâu chọn giống, trồng trọt, thu hái chế biến, đóng gói bảo quản đến vận chuyển xuất khẩu.

Nâng cao nhận thức của một nhóm lớn người tiêu dùng về các hành vi tiêu dùng bền vững và xây dựng một mạng lưới để thúc đẩy nhãn sinh thái – công bằng. Vì sao chúng ta nên sử dụng các sản phẩm xanh – sạch?

Sử dụng nền tảng điện tử bền vững để xây dựng mạng lưới nhà bán lẻ các sản phẩm sinh thái – công bằng, tìm đầu ra cho ngành trái cây chế biến.

Tăng cường năng lực cho các MSME sinh thái – công bằng để tiếp cận tài chính. Hỗ trợ phát triển chính sách về sản xuất và tiêu dùng sinh thái – công bằng tại Việt Nam.

Hiện tại, dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng tại Việt Nam” đã và đang được triển khai sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp trái cây chế biến nắm bắt thời cơ và bứt phá, khẳng định mình. Chỉ khi nào sản xuất ra những mặt hàng chất lượng, thân thiện với môi trường, khi ấy cả thế giới sẽ đón nhận trái cây chế biến Việt Nam.

Bài viết liên quan